PGS-TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng TP.HCM, cho biết: Sử dụng polymer truyền thống như PET, HDPE, PVC, LDPE, PP, PS để làm khay nhựa đựng thực phẩm đã được áp dụng từ lâu. Sử dụng các vật liệu này để bao gói thực phẩm trong điều kiện bình thường và thời gian không dài thì không gây hại cho sức khỏe. Vậy nên có thể sử dụng các bao bì nhựa định hình trong điều kiện cho phép.
Bởi lẽ mỗi một loại nhựa có những tính chất khác nhau và sử dụng cho những mục đích khác nhau. Điều quan trọng là các nhà sản xuất có sử dụng nhựa chính phẩm không. Các công đoạn vệ sinh khi cho sản phẩm vào bao gói có đảm bảo quy trình không. Sản phẩm có đảm bảo chất lượng không… Đó chính là điều người dùng nên quan tâm
Như vậy, bao bì chỉ mới là một phần của những nguyên nhân gây độc hại (nếu có). Theo TS Hồ Sơn Lâm, ở Việt Nam, các loại nhựa đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên người sản xuất thường phải đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với công nghệ.
Nhìn chung, các loại nhựa làm bao bì nhựa định hình, chai nước… được sản xuất ở các công ty hay xí nghiệp có công nghệ hiện đại và nguyên liệu nhập thì không đáng lo. Chỉ những sản phẩm nhựa tái sinh hoặc không rõ xuất xứ mới thực sự nguy hiểm, vì thường không đảm bảo các yêu cầu của nhựa bao gói.
PGS-TS Đống Thị Anh Đào, Bộ môn công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: Rất khó để nhận biết chất lượng của các bao bì nhựa hiện đang được người bán sử dụng để bao gói thực phẩm, nhất là những thực phẩm ăn sẵn. Nhiều loại bao bì được làm từ nhựa tái sinh, được pha trộn từ nhiều loại nhựa khác nhau, thậm chí pha thêm hóa chất, thì chỉ khi được đưa vào phòng thí nghiệm phân tích mới có thể biết thành phần của chúng.